Tuesday, July 25, 2023

Thầy Lazaro Phiền - Lời Giới Thiệu

Thầy Lazaro Phiền

Tác giả: Nguyễn Trọng Quản

Bài Sưu Tầm

Nguyễn Trọng Quản (1865–1911) là một nhà giáo, nhà văn, và là tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam – Truyện Thầy Lazaro Phiền

Ông theo đạo Công giáo, có tên thánh rửa tội là Jean-Baptiste, tên thánh thêm sức là Pétrus, nên thường ghi tên là P.J.B. Nguyễn Trọng Quản.

Ông sinh tại Bà Rịa (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu), là học trò và là con rể của Trương Vĩnh Ký. Thời trung học, ông du học tại Lycée d’Alger (Bắc Phi – thuộc địa của Pháp), cùng khóa với Diệp Văn Cương, Trương Minh Ký.

Sau khi tốt nghiệp, về nước ông dạy học. Ông làm Giám đốc trường Sơ học Nam kỳ (tại Sài Gòn) vào những năm 1890-1902.

Ông sáng tác truyện “Thầy Lazaro Phiền“, tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam. Sách do nhà J. Linage, đường Catinat (nay là Đồng Khởi) Sài Gòn xuất bản năm 1887.

Ngoài sáng tác của mình, ông còn là họa sĩ vẽ hình minh họa cho tiểu thuyết “Phan Yên ngoại sử – Tiết phụ gian truân” của Trương Duy Toản.năm 1910.

Thầy Lazaro Phiền: Giới thiệu

Truyện ngắn Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản đã được xuất bản lần đầu tiên năm 1887. Truyện ngắn này có thể là truyện ngắn viết theo lối Tây phương sớm nhất.

Truyện tuy ngắn (bản in 50 trang) nhưng có cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết Tây phương. Truyện có chủ đề tâm lý nội tâm, là bước đột phá ra khỏi khuôn khổ cấu trúc của truyện xưa.

Hồ Biểu Chánh gọi truyện Thầy Lazaro Phiền là một trong ba cuốn tiểu thuyết khiến ông hướng về nghiệp viết văn. Hai cuốn kia là Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toản.

Tóm tắt truyện Thầy Lazaro Phiền

Trong đất thánh làng Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa có một nghĩa địa điêu tàn. Bên cạnh những ngôi mộ các thánh tử vì đạo, có một ngôi với chiếc thánh giá đơn sơ mang tên “Thầy Lazaro Phiền”.

Thầy Lazaro Phiền quê tại Đất Đỏ. Năm Phiền ba tuổi thì mồ côi mẹ. Khi đó, giáo dân bị cấm đạo, bị bắt bớ tù đày rất nhiều. Khi Pháp đánh tới Bà Rịa thì 300 giáo dân trong nhà lao bị thảm sát. Nhà ngục bị thiêu hủy, chỉ còn mười người sống sót, trong đó có Phiền.

Phiền được một quan ba người Pháp đem về Gia Định cho một linh mục nuôi ăn học. Phiền kết bạn với Vêrô Liễu, con một ông trùm họ ở Cầu Kho. Qua Vêrô Liễu, Phiền quen cô em họ của Liễu và đem lòng yêu cô này. Lớn lên, hai người kết vợ chồng, chung sống trong nhà Liễu.

Sáu tháng sau, Phiền đi làm thông ngôn tại Bà Rịa. Tại đây, Phiền gặp một cô vợ người Việt của một quan ba Tây. Nàng đem lòng thương yêu Phiền nhưng Phiền cự tuyệt. Nàng ấy bèn viết thư nặc danh tố cáo vợ Phiền tư tình với Vêrô Liễu. Phiền về điều tra, khám phá thư của Liễu hẹn hò với vợ mình.

Nhân dịp được lịnh dẫn lính đi phục kích một vụ cướp ghe và cùng lúc Liễu đi ghe về Sài Gòn. Phiền sắp đặt cho lính “bắn lầm” giết Liễu.

Xong, Phiền về nhà, đánh thuốc độc cho vợ chết. Vợ bị thuốc độc hành hạ hơn mười một tháng mới chết. Trước khi tắt thở, vợ thầy bình tĩnh nói: “Tôi biết làm sao mà tôi phải chết. Song tôi cũng xin Chúa tha thứ cho thầy!”

Giết được “đôi gian phu dâm phụ” nhưng lòng Phiền vẫn không an. Chán đời đen bạc, Phiền bỏ việc đi tu tại nhà thờ họ Tân Định.

Mười một năm sau, thầy Phiền ghé qua Bà Rịa thăm chốn cũ nơi xưa. Phiền mới nhận được thư một phụ nữ. Đó là thư của vợ quan ba Tây năm xưa. Bà thú tội đã vu cáo vợ thầy, giả nét chữ của Liễu và gài thư giả mạo trong áo vợ thầy Phiền. Nhưng bà vẫn không toại nguyện vì thầy không đến với bà mà lại bỏ đi tu.

Đọc xong bức thư thú tội này, Phiền chết đi trong nỗi ân hận không nguôi với tội ác tày trời của mình.

Thầy Lazaro Phiền - Chương 01

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 01

Đồng hồ nhà thờ nhà nước vừa đánh tám giờ tối, đồ tôi đã đem xuống tàu mà đi Bà Rịa rồi.

Chiếc Jean-Dupuis định mười giờ mới chạy, nên còn hai giờ chẳng biết làm gì? Muốn lên bờ đi dạo một hai vòng xem phố xá thành Saigon chơi, mà trong mình có ý mệt cho nên không lên; vậy mới tính lên sàn tàu coi có cái ghế nào không, mà nằm nghỉ cùng xem trăng chơi, vì ngày ấy là nhằm ngày rằm tháng chạp Annam là 12 Janvier 1884.

Lên đến sàn thấy trăng thanh gió mát thì tôi lại đứng nơi be tàu mà hứng gió.

Đứng đó lòng buồn một ít vì phải xa cách cửa nhà vợ con hơn tám bữa, cho nên dầu mà trên bờ đèn sáng như ngày, kẻ qua người lại xe ngựa rầm rầm, nhà hàng dẫy đầy những kẻ vui chơi, tôi cũng chẳng đem trí mà xem các sự ấy, cứ một xem phía sông bên Thủ-thiêm mà thôi; vì phía đó chẳng chói sự sang trọng vui chơi, chẳng tỏ bày sự phàm xác thịt; nơi ấy là nơi nghèo khổ làm ăn ban ngày; thong thả mà nghỉ ngơi ban đêm, nên còn một hai chỗ còn đèn leo lét mà chỉ vài nhà chưa ngủ mà thôi.

Còn dưới sông mặt trăng giọi xuống làm cho nước giọng ra như tấm lụa vàng có thả kim sa.

Xem các sự ấy thì lòng lại thêm buồn, nên tôi muốn kiếm sự giải phiền nơi khác; song vừa day mặt lại thì tôi thấy một thầy tu đứng gần bên tôi và ngó xuống nước một cách rất buồn bực lắm.

Muốn làm quen cho có bạn vì dưới tàu lạ mặt hết, tôi mới hỏi thầy ấy rằng: “Thầy đi xuống Bà Rịa hay là đi Vũng Tàu?”

Thầy ấy ngó tôi một chặp rồi mới nói rằng: “Thầy hỏi tôi đi đâu làm chi?”

Khi nghe tiếng thầy nói một cách rất buồn bực thảm não lắm, thì tôi ngó mà coi thầy ấy cho tỏ tường; may đâu lúc đó trăng lại tỏ hơn, nên tôi đặng xem thầy ấy rõ ràng: Thầy chừng ba mươi tám ba mươi chín tuổi, thấp người; giọng nói đau thương! Mặt mũi thì xanh xao mét ưởng, mình thì ốm o gầy mòn, lại cái áo dòng người mặc nó bay phất phơ hai bên làm cho thầy ấy giống như hình con bù nhìn, để nơi đồng ruộng mà đuổi chim.

Tôi mới trả lời rằng: “Thưa bởi vì tôi biết cha sở Bà Rịa lắm, nên tôi tưởng nếu thầy đi Bà Rịa thì làm sao nay mai tôi cũng gặp thầy.”

Thầy ấy mới trả lời rằng: “Tôi không đi Bà Rịa, tôi đi dưỡng bịnh tại Vũng Tàu, vì tôi có bịnh tức đã hai năm nay; song tôi tưởng đi cũng vô ích, vì tôi biết tôi không còn sống đặng hơn nửa tháng nữa đâu.”

Tôi nghe lời ấy, thì tôi nói rằng: “Xin thầy đừng nói làm vậy. Chúa lòng lành vô cùng, người thường làm phép lạ hoài, nên thầy đừng có ngả lòng nản chí, ít ngày đây thầy sẽ lành.”

Thầy tu ấy lắc đầu mà nói rằng: “Thầy ôi! Phải thầy biết tội thì thầy không muốn cho tôi sống làm chi…”

Nói chưa dứt lời thầy lấy tay che mặt mà khóc ròng.

Tôi thấy vậy mới nói cùng thầy rằng: “Dầu mà tội thầy nặng thể nào thì Chúa cũng đã tha cho thầy rồi: Vì thầy chịu cực cũng đã đủ cho nên xin thầy chớ muốn chết làm chi, vì thầy còn thuộc về những người phải dạy những kẻ chưa biết đạo Chúa; nên thầy phải sống mà đem những kẻ ấy vào đàng ngay.”

Thầy tu nghe tôi nói như vậy mới cất đầu lên chùi nước mắt mà nhìn tôi và hỏi chậm chậm rằng: “Thầy đã có đôi bạn chưa?”

Tôi thưa rằng: “Đã có đặng sáu tháng nay”

Thì thầy tu ấy lấy tay mà xô tôi ra cùng nói lớn tiếng rằng: “Vậy thì thầy phải xa tôi cho kiếp, kẻo mà sự dữ xảy đến cho, tôi sẽ làm hại thầy chẳng sai đâu; tôi cũng có đôi bạn như thầy vậy; song phận tôi vô phước! Vô phước lắm! thầy ôi!”

Nói rồi thầy ấy ôm mặt mình mà khóc một lần nữa; song tôi cũng không ngả lòng, tôi nắm tay thầy mà nói rằng: ”Tôi thấy thầy buồn bực như vậy, thì tôi chắc thầy đã có chịu sự gì cực khổ lắm hay là đã làm tội gì trọng, sự ấy tôi không muốn biết làm chi; song xin thầy đừng phiền quá mà làm hại mình, nếu mà thầy có tội thì thầy phải sống mà đền tội ấy. Nếu thầy không có tội, mà thầy phải chịu phiền về sự gì, thì cũng xin thầy phải sống mà chịu cho đến cùng hầu ngày sau sẽ đặng phần thưởng trọng hơn.”

“Ôi thôi! Thầy đừng an ủi tôi làm chi? Tội tôi đã lớn lắm, và sự cực tôi đã chịu thì đã gần quá sức tôi rồi. Thầy ôi! Đã mười năm nay, tôi như thể không còn trái tim nữa, trái tim tôi như thể đã biến hóa ra tro bụi rồi; tôi như thể mất trí khôn vậy. Chớ chi thuở trước tôi đừng có, ôi thôi!

Nói đến chừng nào càng đau đớn lòng chừng nấy; bây giờ có một sự chết làm cho tôi quên người đó mà thôi… Tôi có ý đi tu cho đặng trông cậy có lẽ đọc kinh cầu nguyện thì sẽ quên người tôi đã đem hết lòng hết trí mà thương; song vô ích, thầy! Sự tôi chịu cực mười năm nay thì đã đủ mà đền tội tôi rồi. Bây giờ tôi đặng chết bằng an.”

Tôi nghe và thấy sự đau đớn như vậy thì tôi làm thinh mà để cho thầy ấy khóc. Khi ấy mới nghĩ trong mình rằng: “Có lẽ nào dưới thế gian nầy mà có sự gì dữ tợn đến đỗi làm cho người ta chịu cực đến mười năm mà chẳng nguôi!

Mà thật khi ấy tôi đang còn có phước, còn đang lúc sung túc, là vì tôi mới có vợ đặng ít tháng, còn chí thiết thương nhau nên tôi không hiểu người ta chịu cực làm sao đặng? Tôi mới tưởng thầy tu ấy đau đớn bịnh hoạn nên lãng trí mà nói vậy chăng?”

Muốn cho hãn tôi mới ngó mà xem thầy ấy cho rõ ràng đặng coi có làm sự gì tỏ ra như người điên chăng? Tôi vừa ngó một chặp, thì tôi thấy thầy ngất mặt lên xem trời mà thở ra rằng:

“A Chúa tôi! Rất lòng lành vô cùng, xin Chúa cho tôi về gặp mặt bạn tôi cho chóng, dẫu mà tội nó thể nào thì tôi cũng quên, bởi vì có lời Chúa đã phán: Tao tha lỗi cho bay, như bay tha kẻ có lỗi cùng bay.”

Tôi thấy vậy mới nói rằng: “Điên! Thầy nầy điên!”

Thầy tu ấy nghe đặng mới nói cùng tôi rằng: “Thầy ôi! Thầy còn trẻ chưa biết đủ việc đời. Hay là còn đang lúc có phước, thầy chưa từng sự đau đớn, nên thầy nói tôi điên, tôi không điên đâu thầy! Tôi còn trí khôn đủ, tôi xin Chúa đừng cho thầy mắc sự tôi phải chịu, xin Chúa giãn ra cho khỏi đầu thầy sự dữ đã xảy đến cho tôi.”

Nói vừa dứt lời, thì đồng hồ vừa đánh mười giờ, nên tàu thổi hơi cùng mở đổi mà chạy, làm cho tôi quên thầy tu mà coi người ta sửa soạn lui tàu.

Thầy Lazaro Phiền - Chương 02

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 02

Khi tàu chạy rồi tôi ngó lại thì thầy tu đã xuống phòng mình rồi. Còn lại một mình, tôi mới lại đứng sau lái tàu mà xem lằn tàu chạy, cùng nghĩ tới các sự thầy tu đã nói; khi nghĩ làm vậy, thì trong lòng muốn biết chuyện thầy ấy. Vậy mới tính hỏi, xin thầy thuật chuyện ấy ra, song tôi e thầy có chối chăng?

Thì tôi đang kiếm mà lo phương thế cách nào làm cho thầy ấy tỏ sự mình ra. Song nghĩ đi nghĩ lại một hồi, lại bàn rằng: “Chuyện người mà mình muốn biết làm chi”, nên tôi lại cúi xuống mà xem bọt nước vận sau lái tàu, trào lên như bạc sôi; lại một hai khi có yếng sáng trăng giọi xuống thì bọt ấy hóa ra như bạc vàng lộn lại vậy; mà dẫu làm thể nào trí khôn tôi nó cũng bắt tưởng đến chuyện thầy tu luôn, nên tôi quyết lòng lần này xuống xin thầy ấy thuật chuyện mình ra.

Dầu vậy mặc lòng cũng còn lần lựa chưa muốn xuống mà hỏi. Vì đoán rằng: thầy này đã nói với tôi rằng: “Xin Chúa hảy giãn ra cho khỏi đầu thầy sự dữ đã đến cho tôi”. Thì sự dữ ấy là quái gở lắm, cho nên có lẽ thầy tu sẽ chẳng nói ra chăng? Tôi lần lựa như vậy, cho đến khi tàu đi qua khỏi Xóm Chiếu cho tới đồn Cá Trê, tôi mới xuống phòng tôi.

May đâu sự cũng lạ. Ngày đó không có đờn bà quá giang, nên tôi và thầy tu được một cái phòng có hai cái giường.

Đang khi đi xuống thì tôi tưởng thầy ấy thức khuya mệt đã nghỉ rồi cho nên tôi lại gần phòng, sẽ lén khoát màn ra nhẹ nhẹ kẻo thầy ấy giựt mình thức dậy. Song tôi vừa bước chơn vô phòng thì tôi thấy thầy ấy đang quì gối cúi mặt nơi giường mà đọc kinh cùng thầm thì những lời tôi đã nghe nói trên sân khi nãy.

Tôi thấy vậy muốn lui ra cho thầy đọc kinh kẻo lo ra, song tôi vừa bước ra thì thầy kêu tôi mà nói rằng: “Thầy! Thầy lên giường mà ngủ đừng sợ sự gì, tôi đọc kinh rồi có lẽ tôi nghỉ một chốc đây rồi; tôi sẽ thuật chuyện tôi lại cho thầy nghe.”

Nghe nói vậy thì trong lòng tôi mầng lắm, nên tôi lên giường mà nằm; khi ấy ông thầy cũng lên giường mình. Cách một hồi thì tôi nghe tiếng thầy ấy thở một cách như thể mệt lắm vậy, tôi cất đầu ngó xuống và hỏi rằng: “Thầy mệt lắm hay sao? Trong mình thầy làm sao?”

Thầy ấy trả lời rằng: “Không hề gì đâu, thầy đừng lo, trong mình tôi như thường.”

Vậy tôi mới nằm xuống; có ý thức đợi thầy ấy nói truyện mình, song mắc mệt nên lần lần tôi ngủ quên không hay. Gần nửa đêm khi dưới tàu thiên hạ ngủ hết, mọi nơi đều lẳng lặng, trừ ra tiếng máy ầm ầm, như trống canh nhịp, thì tôi nghe kêu rằng: “Thầy ôi! Xuống ngồi gần bên tôi, tôi sẽ nói chuyện tôi cho thầy nghe.”

Khi tôi nghe kêu, tôi giựt mình và run sợ cả và mình, vì tôi nghe như thể tiếng ấy bởi nơi mồ mà lên kêu tôi vậy. Lại khi đó cửa sổ phòng tôi mở, nên gió khuya thổi vô, làm cho tôi lạnh lạnh, thì lại càng run sợ hơn nữa.

Vậy tôi mới lấy mền trùm lại không trả lời, rồi tôi nghe kêu một lần nữa. Khi ấy tỉnh trí nhớ chực thầy tu nằm dưới tôi, tôi mới xuống nhắc ghế lại ngồi gần bên giường thầy ấy.

Tôi vừa ngồi gần một bên, thì thầy ấy nắm tay tôi, mà nói rằng: “Thầy ôi! Tôi vô phước lắm, xin Chúa tha tội cho tôi … Tôi là kẻ có tội.“

Nói bấy nhiêu lời thì chảy nước mắt ròng ròng. Dầu mà tôi muốn biết chuyện thầy ấy hết sức mặc lòng; khi tôi thấy sự cực thầy ấy phải chịu mà thuật lại thì tôi nói rằng: “Thầy ôi! Nếu mà sự này làm cực cho thầy thì xin thầy đừng nói ra làm chi.”

Thầy ấy trả lời rằng: “Không! Không! Tôi không còn sống bao lâu nữa mà giấu tội tôi. Mười năm nay tôi đã giấu với mọi người không ai hay đặng, tôi đã giả trá trước mặt người ta và trước mặt các cha nơi trường tôi tu, làm cho ai nấy tưởng tôi là người nhơn đức, song hẳn thật tôi là đứa tội lỗi là ngần nào. Vậy tôi xin thầy hãy lặng tai mà nghe tôi, vì đương khi nói mà tôi mệt, thì có khi phải nín mà lâu đi chăng?”

Nói rồi thì thầy ấy nhắm mắt lại, cho đặng nhớ mọi sự trước sau cho đủ hầu sẽ thuật chuyện lại cho cùng.

Thầy Lazaro Phiền - Chương 03

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 03

Cách một hồi thầy ấy mở mắt ra và nói rằng: “Xin thầy ghé tai lại mà nghe.

Thầy ôi! Tôi là người Bà Rịa, quê quán tôi ở tại Đất Đỏ. Ông già tôi là người có đạo dòng tử tế, vốn là người Quảng Bình, mà vô ở Đất Đỏ đã lâu; còn bà già tôi là người Gia Định. Tôi sanh ra là năm 1847 nhằm năm Tự Đức tức vị. Tôi là con thứ năm mà khi ấy tôi còn có một mình, vì mấy người trước đã chết khi còn nhỏ?

Khi ấy đạo ta phải chịu nhiều đều khốn cực lắm, vì chỉ vua dạy bắt những kẻ có đạo cho nhặt, cho nên kẻ ngoại kiếm thế mà làm hại cho những kẻ ấy luôn.

Vậy khi tôi đã nên ba tuổi thì tôi đã biết chịu cực khổ rồi. Khi ấy bà già tôi được bốn mươi tuổi rồi mắc dịch tả năm 1850 mà chết để tôi lại với ông già tôi một mình, khi ấy ông già tôi hơn bốn mươi sáu tuổi, mà bà con không còn ai cả, cho nên khi cha tôi đi đâu thì tôi cũng đi theo luôn: như khi cha tôi đến nhà nào có cha làm lễ, thì tôi cũng đi theo. Khi kẻ ngoại hay được, có kẻ đạo hiệp nhau lại, thì báo với quan đến bắt. Nên ai nấy đều kiếm phương mà ẩn mình, cho khỏi chúng nó bắt: nên nhiều lần cha tôi phải đem tôi lên rừng mà trốn cho đến ba ngày mới về được, thì trong ba ngày ấy phải ăn những trái cây và rễ cây cho khỏi chết đói mà thôi.

Từ khi tôi mới sanh ra cho đến hai mươi tuổi, thì tôi thấy những sự bắt bớ kẻ có đạo luôn. Lại ông già tôi là trùm họ nên lại càng phải sợ hơn nữa. Ngày chúa nhựt mà muốn xem lễ cho được, thì phải chịu nhiều đều rất cam khổ là quá chừng. Ông cha ở nơi Đất Đỏ thì phải trốn lánh luôn. Khi thì làm lễ nhà này khi làm lễ nhà kia; có khi kẻ ngoại hay đặng thì lại phải đi xa cách vài ba làng; cho nên bổn đạo phải chịu muôn vàn sự khốn khó mới tìm đặng cha sở mình.”

Tới đây thầy ấy nín một hồi mà nghĩ cùng nhớ các sự cho đặng tiếp theo truyện mới nói.

Tôi thấy thầy ấy gác tay trên trán cùng nhắm mắt lại dường như muốn đọc truyện mình ở trong trí khôn, như một người kia đọc trong một cuốn sách đang khi rồi sẽ thuật truyện lại, cho nên tôi làm thinh.

Thầy Lazaro Phiền - Chương 04

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 04

Vậy tôi mới nghĩ rằng: người này từ thuở nên ba mà đã biết sự cực khổ ra thể nào, đã biết chịu đói chịu khát, chịu mệt chịu nhọc, chịu trốn lánh vào nơi thú dữ, cọp hùm tây voi ở, đã từng trải sự hiểm nghèo, đã quên sự sung sướng, nên bây giờ lòng đã cứng hơn gan sắt chẳng còn chỗ nào mà sự cực nhọc thấu vào đặng, mà đã than rằng: “Sự cực tôi chịu đã quá trí tôi rồi “; thì sự cực ấy là độc dữ là thể nào?

Mà sự cực ấy bởi đâu mà ra? Thầy tu đã nói: “Tôi cũng có đôi bạn như thầy”; mà nay sao thầy ấy lại là thầy tu? Lại thầy ấy có đọc rằng: “Xin Chúa cho tôi gặp bạn tôi”; hay là thầy ấy phiền vì đã mất bạn mình là người mình rất yêu mến lắm, cho nên phải phiền vậy chăng? Như vậy không có lẽ?

Nếu phải phiền vì sự ấy mà thôi thì không nói rằng: “Dầu tội nó thể nào thì tôi cũng quên rồi.” Vậy tôi chắc một là thầy này điên, hai là thầy có làm sự gì quái gở quá trí hiểu không đặng.

Tôi còn đang suy như vậy thì tôi nghe thầy ấy ho hai tiếng nhẹ nhẹ rồi nói rằng: “ Thầy ôi! Thầy nghe tôi thì thầy biết tôi là thể nào? Sanh ra khỏi lòng mẹ thì đã chịu cực cho đến lớn. Tưởng khi có trí khôn thì được sung sướng một ít mà cũng không được; số phận tôi phải chịu khốn nạn cho đến trọn đời mà thôi.

Song sự cực tôi đã chịu cho đến mười hai tuổi thì tính lại không bằng sự tôi sẽ chịu khi Tây qua. Thuở ấy là năm 1860 tôi được mười ba tuổi thì tôi nghe nói xôn xao rằng: “Tỉnh Gia Định đã bị Tây lấy rồi hơn hai ba tháng nay; chừng ít ngày nữa thì Tây cũng sẽ qua đánh lấy Biên Hoà cùng Bà Rịa. Kẻ ngoại khi nghe đều ấy thì lo sợ, còn kẻ có đạo thì mầng rỡ, vì người ta đoán rằng: “Tây qua sẽ binh vực những người có đạo Datô mà giết những người chẳng giữ đạo ấy.”

Song người có đạo thì mầng là vì trông cậy một ít lâu sẽ đặng thong thả mà giữ đạo mình mà thôi.

Phải chi người có đạo biết sự dữ tợn quan Annam sẽ làm cho những kẻ ấy chịu, khi Tây sẽ đánh lấy Bà Rịa thì những kẻ ấy chẳng trông đợi như vậy đâu!

Hẳn thật như vậy, vì năm sau thì nghe Tây đã đánh lấy Biên Hoà rồi, còn kẻ có đạo thì đã bị quan Annam đốt hết, khi ấy ai nấy đều kinh khủng, người thì sợ Tây qua giết, người thì sợ quan Annam đốt trước khi Tây qua. Mà cũng không khỏi vì cách ít tháng (khi ấy tôi đã nên mười lăm tuổi) thì có lịnh truyền dạy bắt những con nhà có đạo cầm tù lại hết; cùng khắc bốn chữ nầy, “Biên Hoà Tả đạo” trên hai mép tai, hầu sau có trốn mà bắt cho dễ.

Tôi và ông già tôi cũng bị bắt cầm một nơi.

Thầy ôi! Tôi muốn nói sự cực những kẻ bị bắt vô ngục cho thầy nghe, song nói chẳng đặng. Ban đầu khi những người ở tù còn tiền đủ mà cho những người lính canh thì còn đặng thong thả mà đi việc của mình; mà đến khi hết tiền cho chúng nó ăn, thì phải chịu các sự cực khổ muôn phần. Mọi người đều bị đóng trăn hết, cho nên những kẻ đau đớn bịnh hoạn, hay là những kẻ có việc cần phải đi ra, mà bị lính không cho đi thì lại phải làm nhiều sự dơ dáy nơi mình nằm, thì ngục ấy hóa ra thúi tha gớm ghiếc lắm, nhiều người phải mang bịnh mà chết.

Chúng ta chịu như vậy cho tới bốn tháng trường, đến năm 1862 thì nghe đồn nói binh Lang sa đã kéo qua đánh lấy Bà Rịa. Nhiều kẻ khi nghe tin ấy thì mầng, nhiều kẻ thì sợ, nhưng mà mầng sợ cũng không bao lâu, vì binh Tây chưa đến nơi thì ngục đã bị đốt ra tro mạt hết rồi. Đến khi lấy đặng Bà Rịa thì ngục còn một đống xương mà thôi.”

Tới đây tôi chận truyện thầy ấy mà hỏi rằng: “Mà thầy không nói làm sao mà thầy ra khỏi tù.”

Thầy ấy gặc đầu cùng trả lời rằng: “ Ông già tôi trước khi đốt ngục thì đã xán bịnh rồi, nên khi đốt ổng nghe tiếng thiên hạ la, thì ổng ngồi dậy mà coi, song ổng vừa ngó thấy ngục cháy thì giựt mình té ngửa ra mà chết.”

Thầy ôi! Khi tôi thấy cha tôi chết như vậy, thì tôi không còn muốn sống nữa, tôi mới chạy lại ôm xác ông già tôi quyết lòng đợi lửa tới mà chết thui với ông già tôi, song lửa mới vừa tới cháy hai chơn tôi thì sự đau đớn làm cho tôi quên hết mọi sự cùng bắt tôi chạy a ra cửa mà ra khỏi tù.

Thầy ôi! Trong ngục hết thảy là ba trăm người mà khi ấy còn sót lại có mười người mà thôi.”

Đến đây thầy ấy vỗ trán cùng nói rằng: “Đây nầy! Tôi thấy rõ các sự ấy như thể mới có hôm qua vậy; nó còn rõ ràng trong trí tôi đây.”

Nói những lời ấy rồi thầy ấy thở ra một tiếng cùng giấu mặt trong tay mình.

Thầy Lazaro Phiền - Chương 05

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 05

Khi đồng hồ tàu đổ hai giờ khuya thì thầy ấy nói tiếp theo rằng: “Khi tôi ra khỏi ngục thì chẳng biết đi đâu, ngó quanh ngó quất thì thấy những người lạ hay là những kẻ ngoại quen, mà những người ấy chẳng dám đam tôi về nhà vì sợ quan nói giấu người có đạo mà bắt chăng.

Vậy khi tôi thấy tôi còn một mình bơ vơ giữa đàng không cha không mẹ không bà con cô bác. Không ai đoái thương thì tôi quyết lên trên núi liều mình cho thú dữ ăn đi cho rồi. Tôi phăng phăng đi đặng vài dặm đàng như vậy cho đến khi chơn tôi bị cháy nó phồng lên mà làm cho tôi đau đớn lắm; đi không nổi nữa, thì tôi mới ngồi lại bên đàng mà khóc, khi ấy mặt trời đã lặn rồi, lại tôi phần thì đau phần thì mệt và đói nên tôi té ngửa trong bụi kia cùng bất tỉnh nhơn sự.

Tôi chẳng biết tôi nằm đó là bao lâu, vì khi tôi tỉnh trí lại mở con mắt ra thì tôi thấy tôi ở nơi nhà thương lính, nằm một bên người lính bị thương tích kia, còn dưới chơn tôi thì có một ông thầy thuốc đang dặc thuốc nơi chơn tôi bị phỏng.

Tôi ở nhà thương hơn bốn mươi ngày; không cục cựa đặng vì hai chơn tôi bị bó lại, cho nên đi đâu không được, mà trong bốn mươi ngày ấy thì có một ông quan ba kia cách vài ba bữa thì lại đến thăm tôi một lần.

Đến khi hai chơn tôi lành, thì ông quan ba đã đến thăm tôi khi tôi đau, cho người kêu tôi lên và biểu người thông ngôn hỏi tôi rằng: “Mầy còn cha mẹ bà con tại Bà Rịa không?”

Tôi thưa rằng: “Tôi không còn ai hết, cha tôi đã chết trong ngục rồi, còn mẹ tôi đã chết khi tôi còn nhỏ.”

Thì ông biểu thông ngôn nói cùng tôi rằng: “Tao đã gặp mầy nằm trong bụi gần chết, tao coi thấy mặt mầy sáng sủa thì tao thương, muốn đem mầy về nuôi cho mầy lành; nay tao tưởng mầy còn cha mẹ thì tao cho mầy về, mà mầy nói mầy không có ai thì tao đem về Gia Định với tao. Mầy chịu đi chăng ?”

Tôi mới thưa rằng: “Ông đã cứu tôi cho khỏi chết, bây giờ ông thương tôi muốn đem tôi về Gia Định mà tôi không đi thì tôi sẽ bạc ngãi và dại dột là dường nào.”

Ba bữa sau tôi xuống tàu mà về Gia Định đặng sáu tháng, kế lấy ông quan ba mắc bệnh phải về Tây, thì để tôi lại cho Đức cha Lefèbvre. Tôi ở giúp Đức cha được một năm rưỡi cùng học chữ quốc ngữ cho đến năm 1864 thì Đức cha cho tôi vô trường Latinh.

Khi tôi mới vô nhà trường thì tôi kết nghĩa làm anh em với một người tên là Verô Liễu, cũng vô trường một lượt cùng tôi. Người ấy là con ông trùm họ Cầu Kho mà bởi nhỏ hơn tôi hai tuổi, thì nhường cho tôi làm anh; hai anh em thương nhau như anh em ruột vậy; chẳng khi nào mà rời nhau, dầu trong nơi học, nơi ngủ, nơi ăn, thì cũng gần nhau luôn; khi đến ngày bãi trường tôi muốn ở lại trường; song thầy Liễu một hai không cho, một bắt phải đi về nhà cùng thầy mà thôi.

Lại cha mẹ thầy Liễu, thấy tôi kết nghĩa với con mình thì lại đem lòng thương tôi như thương con ruột mình, cho nên trong hai năm tôi học nhà trường Latinh, thì tôi chẳng thiếu sự gì, lại đặng vui lòng lắm vì chưng bây giờ tôi thương cha mẹ thầy Liễu và coi hai ông bà ấy như cha mẹ ruột tôi vậy.

Học đặng hai năm đến 1866, khi có thầy dòng qua lập trường d’Adran, thì hai anh em xin qua đó mà học. Học đó thì hai anh em cũng còn thiết nghĩa với nhau như cũ, lại tôi cũng năng về nhà cha mẹ thầy ấy như thường.

Đến năm 1870 là năm có giặc người Allemanha và người Phalangsa đánh cùng nhau thì hai anh em tôi ra đi thi tại Saigon. May đâu hai anh em thi đậu một lượt và lại được sai đi làm việc một nơi tại dinh quan Thượng Thơ cho nên tôi lại còn nương ngụ nơi nhà cha mẹ thầy Liễu nữa.

Tôi ra làm thông ngôn đặng sáu tháng, khi cha mẹ thầy Liễu thấy tôi ở nơi nhà ấy mà có lòng ngại chưa đặng thong thả, thì lại muốn giúp mà lo đôi bạn cho tôi, để tôi lập cơ nghiệp đặng ra ở riêng cho thong thả.

Ôi! Thầy ôi! Phải mà tôi biết người thiết nghĩa ấy sẽ phá sự phước tôi, thì tôi sẽ xa lánh người ấy là thể nào? Ấy thầy xem đó mà coi, thì thầy biết lòng người ta giả trá là thể nào? Nó đang còn thiết nghĩa với mình hết sức, mà nó kiếm sự làm cho mình phải khốn không hay.

Phải chi tôi chết cùng cha tôi trong ngục thì tôi sẽ khỏi chịu cực cho đến bây giờ! Ôi! Trong ba mươi lăm năm, tôi đặng hưởng phước không đầy năm năm, còn mấy năm kia thì những chịu cực chịu khổ mà thôi.”


Thầy Lazaro Phiền - Chương 06

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 06

Thuở tôi còn ở nhà trường d’Adran thì cha mẹ thầy Liễu thường đến mà thăm viếng hai anh em tôi, nhiều khi đi thăm thì bà già thầy Liễu hay đem một người con gái chừng mười bảy tuổi đi lên theo. Người ấy không lịch sự thiệt, song coi phải thể người mà thôi: tiếng nói dịu dàng, mặt mũi cách điệu, tính nết ăn ở thì dễ làm cho người ta thương lắm. Người ấy là con bà dì thầy Liễu.

Ban đầu khi người đi đến thì tôi cũng tưởng là như bà con; mà cách ít tháng thì tôi lại đem lòng thương, cùng hằng tưởng đến người ấy luôn. Tôi đã thương người ấy như vậy là một năm chẵn, cho đến khi thi đậu mà ra khỏi trường.

Song dầu mà tôi thương người ấy mặc lòng, tôi cũng chẳng tỏ sự ấy ra cho thầy Liễu là anh em thiết nghĩa với tôi hay. Vậy ngày kia nhằm ngày chúa nhựt khi xem lễ về, ông già thầy Liễu rủ tôi ra vườn đi dạo chơi.

Khi đến một đống đá thì ổng nói cùng tôi rằng: “Ta ngồi đây nghỉ một chặp và nói chuyện hử mi Lazaro!”

Khi nghe ổng mời tôi ngồi, thì trong lòng tôi bắt hồ nghi có sự gì cả thể, cho nên mới kêu tôi ra ngoài vườn một mình, vậy tôi mới ngồi mà làm thinh.

Ông già thầy Liễu cũng làm thinh một chặp rồi nắm tay tôi mà nói rằng: “Thầy! Thầy biết xưa nay tôi thương thầy như con ruột tôi vậy, cho nên khi nào bãi trường có con tôi về mà không có thầy thì tôi cũng trông nhớ thầy lắm. Còn thầy thì tôi cũng biết thầy thương hai vợ chồng già tôi như cha mẹ thầy, cho nên hai vợ chồng tôi cũng mầng, và lại tôi thấy thằng Liễu nó yêu mến thầy thì tôi càng mầng hơn nữa, vì nó đặng bắt chước cách ăn ở thầy mà sửa mình lại và nó khỏi theo những đứa hoang đàng mà hư đi.”

Tôi nghe nói như vậy thì tôi làm thinh cúi đầu xuống mà nghe cho cùng, thì ông già thầy Liễu nói rằng: “Thầy nay đã lớn tuổi rồi, cho nên bữa nay tôi muốn nói mà hỏi thầy có ưng nơi nào thì nói ra, cho tôi liệu cho thầy. Xin thầy đừng ngại mà từ chối làm chi. Nếu thầy từ chối thì sẽ làm cho vợ chồng tôi buồn bực lắm, tôi không có giàu có muôn hộ chi, song tôi cũng có đủ mà lo cho thầy cách tử tế vì thầy là như con tôi. Còn khi thầy có đôi bạn rồi, mà muốn ra tư riêng thì tôi cũng sẽ lo cho thầy đặng đủ mọi sự, mà lập cơ nghiệp riêng. Vậy tôi xin thầy tỏ thật lòng thầy đã ưng nơi nào cho tôi biết?”

Tôi trả lời rằng: “Bỏ và vú thấy tôi mồ côi, mà đem tôi về nuôi như con ruột, mà tôi chưa đền ơn ấy được, nay bỏ vú lại muốn lo đôi bạn cho tôi nữa, thì tôi khi nào trả nghĩa cho vú bỏ cho xong ơn ấy kể sao cho xiết? Lại tôi xưa rày chưa tưởng đến sự vợ chồng, cho nên chưa chọn nơi nào cho xong.”

Ông già mới nói rằng: “Ơn ngãi chi đâu mà đền, mi Lazare! Thầy là con, ta là cha, thầy nói ngay ra thì ta sẽ lo cho. Vậy nếu mi Lazare không biết nơi nào, thôi để ta chỉ cho. Vậy thầy có biết ở trong làng ta có người con gái nào chừng mười tám tuổi, thường đến thăm ta đây không?”

Khi tôi nghe hỏi như vậy thì tôi dấu mặt lại cho nên ông trùm mới cười mà nói rằng: “Bộ đây! Mi Lazare cũng biết nàng ấy thì phải! Cho nên mới dấu mặt lại như vậy.”

Khi tôi thấy ông già thầy Liễu hiểu biết ý tôi đã có lòng thương người ấy, thì tôi quyết lòng nói thật ra rằng: “Thưa với bỏ, xưa nay tôi không tỏ lòng tôi ra cùng ai, mà nay bỏ đã dò lòng tôi mà biết rõ sự ấy, thì tôi xin thú thật. Tôi đã có lòng thương cô ấy hơn một năm rưỡi nay, mà bởi tôi tưởng tôi là đứa mồ côi không xứng đáng nơi ấy, nên tôi để trong lòng không dám tỏ ra cùng ai.”

Ông già nghe đặng mới cười lớn lên mà rằng: “Hả! Hả! Không hề gì đâu mi Lazare! Không hề gì! Các con trẻ tưởng ông già không biết chi!

Hả! Hả! Già biết rỏ hết. Để già hỏi đây, thì con cháu sẽ ừ liền không khỏi đâu.”

Mà thật tháng sau người con gái bà dì thầy Liễu và tôi đến bàn thờ mà chịu phép hôn phối.

Thầy ôi! Nói sự phước hai đứa tôi thì không cùng, tôi tưởng có ít người mà thương vợ như tôi. Dầu mà vợ chồng đã về cùng nhau rồi, song lòng tôi còn thương tưởng như trước. Lại bạn tôi gặp tôi thì cũng lấy làm có phước lắm, vì cũng có lòng thương tôi như tôi đã thương vậy, cho nên không khi nào, dẫu có phiền lòng thể nào, thì cũng không nói lời gì ra, làm cho tôi nhớ phận tôi là con mồ côi cô độc. Khi ấy sự phước tôi là vô cùng.

Tôi với bạn tôi về ở nhà thầy Liễu đặng sáu tháng, kế lấy có tờ quan sai tôi đi làm thông ngôn tại Bà Rịa.”

Tới đây thầy tu nghe đồng hồ đánh ba giờ khuya thì thầy ấy la hoảng lên rằng: ”Đó! Đó! Thầy! Nó nằm đó…! Gần chết…! Nó nắm tay tôi đây…!”

Rồi nói nhỏ rằng: “Ôi! Tôi là kẻ có tội; tôi là kẻ có tội!” Nói dứt lời, thì nhắm mắt lại mà nghỉ.

Nghỉ một hồi, thức dậy nói rằng: “Bây giờ mới đến sự cực tôi đây thầy! Tôi về Bà Rịa đặng hai tháng rồi, mà bởi tôi có làm quen với các quan trong đồn cho nên thường đi ăn cơm với các quan ấy. Vậy trong các quan thì có ông quan ba kia có một con vợ An nam.

Mà con ấy khi thấy tôi thì làm nhiều cách thể, muốn như xui giục tôi phạm tội cùng nó, cho nên tôi trốn lánh cho khỏi dịp làm thiệt hại cho vợ mình, vậy lần lần tôi bớt vô đồn ăn cơm với các quan nữa cho nên tôi đã khuất mặt người đờn bà ấy đi.

Qua năm 1872, thầy Liễu thôi làm việc đã bốn tháng nay, xuống tại Bà Rịa mà mua ngựa đam về Saigon. Thầy ấy tới nơi thì anh em rước nhau mầng rỡ bội phần, vì cách mặt đã hơn tám tháng trường, cho nên gặp đặng thì chuyện vãn cùng nhau luôn.”

Tới đây thầy tu nắm tay tôi mà nói rằng: “Thầy hãy ghé tai lại đây mà nghe cho rõ. Đây là đến hai tội tôi, tới đây là tới đầu sự khốn cực tôi. Tôi mệt lắm, xin cho tôi nghỉ một chút cùng nhớ các sự cho rõ hơn.“