Thầy Lazaro Phiền
Chương 09
Khi tôi còn nhỏ, thì thường có Mọi hay đến mà bán hàng nơi nhà tôi. Trong mấy người Mọi đó thì có một đứa hay ra ngoài vườn mà hái một thứ bông tím tím kia, ở dưới cỏ mà mọc lên; tôi thấy người ấy hái thì tôi cũng bắt chước hái chơi.
Người Mọi thấy tôi hái bông đó thì la tôi biểu đừng có hái, vì nó là giống độc lắm; sắc chừng một nắm mà uống thì phải mắc bịnh lần lần cho đến bảy tám tháng một năm thì phải chết, uống vô rồi không thuốc nào mà chữa đặng.
Khi ấy thầy Liễu đã chết đặng mười lăm bữa rồi. Ngày kia tôi nhớ đến sự cực của tôi, thì trí khôn tôi nó bắt xao xiến bối rối làm cho tôi như điên vậy, thì tôi đi ra vườn cho có gió mát giải phiền một ít.
Tôi đi chưa đặng giáp vòng vườn thì tôi ngó thấy một đám cỏ bông tím dưới chơn tôi, tôi cúi xuống mà hái nó mà coi, thì tôi thấy nó là cái bông thuốc độc người Mọi đã nói với tôi khi trước.
Vậy tôi nhắm cái bông một hồi, rồi cúi xuống hái một nắm bỏ vô khăn cầm vào nhà. Thật sự tôi sẽ làm thì hiểm độc lắm, mà khi tôi vô nhà thì trí tôi cũng an tĩnh như tôi mới làm một sự phước vậy.
Tôi vô nhà thấy bạn tôi đang bắc một cái siêu trên bếp thì tôi hỏi rằng: “Mình sắc gì đó vậy?”
Bạn tôi trả lời: “Ba bốn bữa rày nó bắt tôi ho dữ quá, cho nên khan tiếng; tôi sắc thử lá nguyệt bạch với chanh uống coi có hết chăng.”
Tôi làm thinh không nói gì, cứ cúi xuống mà ngó cái siêu luôn, tôi ngó cái siêu thì thấy cái nắp nó nhảy lên nhảy xuống dường như muốn mời tôi bỏ nắm bông trong khăn vô đó vậy. Vừa khi ấy bạn tôi lên nhà trên ăn trầu, thì tôi lại giở nắp siêu lên bỏ nắm bông ấy vô.
Khi bạn tôi uống rồi, đến ngày mai thì không chỗi dậy khỏi giường cũng không ăn uống gì đặng.
Thầy ôi! Khi tôi biết tội tôi trọng là thể nào, cùng khi thấy bạn tôi nằm trên giường mà than thở thì tôi buồn bực ăn năn trách mình muốn cứu vợ tôi cho khỏi chết. Tôi rước không biết là mấy thầy; mà mỗi khi thầy nào đến tôi cũng lắc đầu hết, vì khi ấy tiếng người Mọi đã nói với tôi hơn hai mươi năm nay thì tôi nhớ lại hết: “Uống vô rồi không thuốc nào cứu đặng”
Bây giờ mỗi ngày thì bạn tôi lại thêm ốm o gầy mòn hoài. Khi tôi thấy bịnh bạn tôi càng ngày càng nặng hơn chừng nào thì tôi lại càng trách mình chừng nấy.
Bạn tôi đau đã hơn mười một tháng song tôi không nghe khi nào bạn tôi mở miệng ra mà nói cùng than thở điều gì; khi thấy tôi buồn thì kiếm lời dịu dàng mà an ủi tôi thì có.
Ôi! Trong mười một tháng ấy tôi trách mình tôi không biết là bao nhiêu; tôi buồn bực cho đến đổi có nhiều lần bạn tôi thấy tôi chảy nước mắt ra thì tưởng tôi khóc vì nó, thì nói cùng tôi rằng: “Xin thầy đừng rầu rĩ làm chi, tôi không chết đâu; tôi đã chịu thuốc rồi, it ngày đây thì tôi sẽ lành.”
Những lời như vậy thì nó làm cho tôi đau đớn như lưởng gươm đâm thấu vào lòng tôi vậy. Tôi chịu cực thể ấy cho đến gần nữa năm 1873.
Ngày kia tôi thấy bạn tôi mệt lắm thì tôi biết đã gần giờ nó phải lìa khỏi thế rồi, nên tôi ở gần một bên bạn tôi luôn. Đến nữa đêm khi tôi thấy bạn tôi còn thở hơi ra mà thôi thì tôi không còn trông cậy gì về sự sống nó nữa, thì tôi cho mời các chức đến mà đọc kinh giúp kẻ mong sanh thì.
Khi các chức đến đọc kinh cùng kêu Chúa đặng một hồi lâu, thì đồng hồ đánh ba giờ sáng. Khi ấy bạn tôi bắt tay tôi mà kéo tôi lại một bên miệng mà nói rằng: “Tôi biết vì làm sao mà tôi phải chết. Song tôi cũng xin Chúa thứ tha cho thầy.”
Nói rồi làm thinh cho đến bốn giờ thì linh hồn ra khỏi xác.
Ôi! Thầy ôi! Khi tôi thấy tôi còn ở đời một mình thì sự buồn bực nó đã quá trí tôi đi. Lại khi tôi tưởng đến hai người, tôi đã thương mến quá chừng mà đã phải bị tay tôi mà chết thì tôi buồn bực sợ hãi đêm ngày. Cho nên khi chôn cất bạn tôi rồi tôi xin thôi làm việc mà lên Saigon đặng xin Đức cha chuẩn cho tôi vô ở nhà dòng Tân Định mà tu trì đức hạnh ít lâu.
Tôi vô nhà dòng rồi, thì tôi ở một cách sốt sắng lắm: đêm ngày tôi những đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình cùng học hành siêng năng tử tế lắm cho nên các thầy bề trên tôi đều bằng lòng mà khen ngợi tôi hết. Tôi có ý ra sức mà làm các sự ấy, cho đặng quên hai tội tôi không xưng ra.
Bởi vậy, bề ngoài người ta gọi tôi là người nhơn đức, mà hẳn thật tôi là đứa tội lỗi giả hình mà thôi, cho nên dầu tôi làm thể nào, thì lương tâm tôi cũng cắn rứt luôn chẳng khi nào cho trí khôn tôi bình an đặng.
Thầy ôi! Tôi chịu cực mà học như vậy đã đặng sáu năm, chịu đặng chức thầy, cho đến năm kia là 1882, thì tôi mắc bịnh nầy; vì mình tôi đã mệt lại thêm trí tôi không an nữa thì nó sanh ra nhiều chứng bịnh lắm.
Đã hai năm nay tôi ở nhà thương mà uống thuốc, song bịnh tôi càng ngày càng tấn tới thì thầy thuốc dạy tôi xuống Vũng Tàu, ở đó thanh khí có lẽ ông bớt chăng.
Nói tới đây thì trời vừa sáng, tàu đến Vũng Tàu.
Vậy tôi mới nói với thầy ấy rằng: “Tội thầy đã nói với tôi đó là điều độc dữ lắm, song Chúa nhơn từ vô cùng, còn dung thầy sống đến nay thì thầy phải xưng tội thì Chúa sẽ tha cho thầy chẳng sai đâu.”
Thầy ấy trả lời rằng: “Thầy đừng sợ làm chi, mai đây cha sở Bà Rịa xuống Vũng Tàu thì tôi sẽ xưng tội tôi ra hết, vì tôi chịu cực cũng đã quá trí rồi.”
Tôi lại hỏi rằng: “Thầy xuống Vũ ng Tàu mà ở nhà ai?”
Thầy ấy trả lời rằng: “Tôi xuống ở nơi nhà cha Bà Rịa đã cất để mà nghỉ tạm khi cha xuống Vũng Tàu.”
Nói chuyện vừa rồi tàu gieo neo; khi thầy ấy bắt tay tôi từ giã mà lên đất, thì thầy ngó tôi mà rằng: “Thầy! Coi tôi cho rõ có lẽ ta gặp nhau lần nầy là lần sau hết. Xin thầy đi bằng an, đến sau khi thầy có xuống Bà Rịa, thì tôi xin thầy hãy đọc một kinh nơi mồ LAZARO PHIỀN.” Nói rồi thầy Phiền xuống đò mà lên đất.
No comments:
Post a Comment