Tuesday, July 25, 2023

Thầy Lazaro Phiền - Chương 05

 Thầy Lazaro Phiền

Chương 05

Khi đồng hồ tàu đổ hai giờ khuya thì thầy ấy nói tiếp theo rằng: “Khi tôi ra khỏi ngục thì chẳng biết đi đâu, ngó quanh ngó quất thì thấy những người lạ hay là những kẻ ngoại quen, mà những người ấy chẳng dám đam tôi về nhà vì sợ quan nói giấu người có đạo mà bắt chăng.

Vậy khi tôi thấy tôi còn một mình bơ vơ giữa đàng không cha không mẹ không bà con cô bác. Không ai đoái thương thì tôi quyết lên trên núi liều mình cho thú dữ ăn đi cho rồi. Tôi phăng phăng đi đặng vài dặm đàng như vậy cho đến khi chơn tôi bị cháy nó phồng lên mà làm cho tôi đau đớn lắm; đi không nổi nữa, thì tôi mới ngồi lại bên đàng mà khóc, khi ấy mặt trời đã lặn rồi, lại tôi phần thì đau phần thì mệt và đói nên tôi té ngửa trong bụi kia cùng bất tỉnh nhơn sự.

Tôi chẳng biết tôi nằm đó là bao lâu, vì khi tôi tỉnh trí lại mở con mắt ra thì tôi thấy tôi ở nơi nhà thương lính, nằm một bên người lính bị thương tích kia, còn dưới chơn tôi thì có một ông thầy thuốc đang dặc thuốc nơi chơn tôi bị phỏng.

Tôi ở nhà thương hơn bốn mươi ngày; không cục cựa đặng vì hai chơn tôi bị bó lại, cho nên đi đâu không được, mà trong bốn mươi ngày ấy thì có một ông quan ba kia cách vài ba bữa thì lại đến thăm tôi một lần.

Đến khi hai chơn tôi lành, thì ông quan ba đã đến thăm tôi khi tôi đau, cho người kêu tôi lên và biểu người thông ngôn hỏi tôi rằng: “Mầy còn cha mẹ bà con tại Bà Rịa không?”

Tôi thưa rằng: “Tôi không còn ai hết, cha tôi đã chết trong ngục rồi, còn mẹ tôi đã chết khi tôi còn nhỏ.”

Thì ông biểu thông ngôn nói cùng tôi rằng: “Tao đã gặp mầy nằm trong bụi gần chết, tao coi thấy mặt mầy sáng sủa thì tao thương, muốn đem mầy về nuôi cho mầy lành; nay tao tưởng mầy còn cha mẹ thì tao cho mầy về, mà mầy nói mầy không có ai thì tao đem về Gia Định với tao. Mầy chịu đi chăng ?”

Tôi mới thưa rằng: “Ông đã cứu tôi cho khỏi chết, bây giờ ông thương tôi muốn đem tôi về Gia Định mà tôi không đi thì tôi sẽ bạc ngãi và dại dột là dường nào.”

Ba bữa sau tôi xuống tàu mà về Gia Định đặng sáu tháng, kế lấy ông quan ba mắc bệnh phải về Tây, thì để tôi lại cho Đức cha Lefèbvre. Tôi ở giúp Đức cha được một năm rưỡi cùng học chữ quốc ngữ cho đến năm 1864 thì Đức cha cho tôi vô trường Latinh.

Khi tôi mới vô nhà trường thì tôi kết nghĩa làm anh em với một người tên là Verô Liễu, cũng vô trường một lượt cùng tôi. Người ấy là con ông trùm họ Cầu Kho mà bởi nhỏ hơn tôi hai tuổi, thì nhường cho tôi làm anh; hai anh em thương nhau như anh em ruột vậy; chẳng khi nào mà rời nhau, dầu trong nơi học, nơi ngủ, nơi ăn, thì cũng gần nhau luôn; khi đến ngày bãi trường tôi muốn ở lại trường; song thầy Liễu một hai không cho, một bắt phải đi về nhà cùng thầy mà thôi.

Lại cha mẹ thầy Liễu, thấy tôi kết nghĩa với con mình thì lại đem lòng thương tôi như thương con ruột mình, cho nên trong hai năm tôi học nhà trường Latinh, thì tôi chẳng thiếu sự gì, lại đặng vui lòng lắm vì chưng bây giờ tôi thương cha mẹ thầy Liễu và coi hai ông bà ấy như cha mẹ ruột tôi vậy.

Học đặng hai năm đến 1866, khi có thầy dòng qua lập trường d’Adran, thì hai anh em xin qua đó mà học. Học đó thì hai anh em cũng còn thiết nghĩa với nhau như cũ, lại tôi cũng năng về nhà cha mẹ thầy ấy như thường.

Đến năm 1870 là năm có giặc người Allemanha và người Phalangsa đánh cùng nhau thì hai anh em tôi ra đi thi tại Saigon. May đâu hai anh em thi đậu một lượt và lại được sai đi làm việc một nơi tại dinh quan Thượng Thơ cho nên tôi lại còn nương ngụ nơi nhà cha mẹ thầy Liễu nữa.

Tôi ra làm thông ngôn đặng sáu tháng, khi cha mẹ thầy Liễu thấy tôi ở nơi nhà ấy mà có lòng ngại chưa đặng thong thả, thì lại muốn giúp mà lo đôi bạn cho tôi, để tôi lập cơ nghiệp đặng ra ở riêng cho thong thả.

Ôi! Thầy ôi! Phải mà tôi biết người thiết nghĩa ấy sẽ phá sự phước tôi, thì tôi sẽ xa lánh người ấy là thể nào? Ấy thầy xem đó mà coi, thì thầy biết lòng người ta giả trá là thể nào? Nó đang còn thiết nghĩa với mình hết sức, mà nó kiếm sự làm cho mình phải khốn không hay.

Phải chi tôi chết cùng cha tôi trong ngục thì tôi sẽ khỏi chịu cực cho đến bây giờ! Ôi! Trong ba mươi lăm năm, tôi đặng hưởng phước không đầy năm năm, còn mấy năm kia thì những chịu cực chịu khổ mà thôi.”


No comments:

Post a Comment